* THEO DẤU RỒNG Á CHÂU - DN NGUYỄN THỊ VIỆT HÒA

Oct 19, 2020

Rồng Á Châu là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất sợi tổng hợp phục vụ trong nông nghiệp và hàng hải. Đơn vị thứ hai là công ty TNHH Giải pháp sợi thông minh, liên doanh giữa Tapex (Úc) và người sáng lập Rồng Á châu, chị Nguyễn Thị Việt Hòa. Đúng định hướng, đúng công nghệ là nền tảng chắp cánh cho Rồng Á Châu vượt biển.

Theo dấu Rồng Á Châu

Rồng Á Châu ra đời như một sự đưa đẩy của số phận. Gần bảy năm làm quản lý cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyên sản xuất dây thừng xuất khẩu, chị Hòa nhận dạng nhu cầu rất lớn về sợi tổng hợp. Nhiều nhà phân phối ngỏ ý ủng hộ doanh nghiệp của chị đầu tư sản xuất dòng sản phẩm này. Cũng phải. Đa dạng hóa nhà cung cấp không chỉ giúp đối tác của Rồng Á Châu giảm bớt rủi ro, mà còn gia tăng quyền thương lượng với các nhà cung cấp hiện hữu. Những tín hiệu tích cực từ thị trường là cơ sở để chị mạnh dạn đề xuất với hội đồng quản trị nhập thêm máy móc, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, ý tưởng của chị không được chấp thuận.

Với công việc, Việt Hòa quyết đoán, đề cao tinh thần trách nhiệm, sự trung thực. Đấy là nền tảng để bạn tìm được những đối tác tin cậy, bền vững. Với bạn bè, Hòa sống hết lòng -Hoàng Thị Xuân Nga (tổng giám đốc công ty TNHH An Thành)

Rời công ty, chị gõ cửa một số doanh nghiệp trong ngành nhựa, đề nghị hợp tác. Người ta sản xuất, chị lo đầu ra. Không cửa nào hé mở. Không ai làm thì mình làm. Tình thế khiến chị liều lĩnh thành lập công ty năm 2006. “Đấy là lần duy nhất tôi chấp nhận rủi ro”, chị khẳng định. Tiền tích lũy không đủ, chị phải mượn thêm người thân sổ đỏ hai căn nhà thế chấp ngân hàng.

Theo dau chan Rong A chau

Quay lưng vào miệng vực

Rồng Á Châu định hướng xuất khẩu. Mục tiêu đầu tiên là Mỹ. Kết quả tổng điều tra nông nghiệp năm 2007 cho hay quốc gia này có 2,2 triệu nông dân với 3,73 triệu km2 đất canh tác, tức bình quân 1,69km2/nông dân. Diện tích càng lớn, hiệu suất cơ giới cao thuận lợi cơ giới hóa. Năng suất quyết định năng lực cạnh tranh. Vào mùa thu hoạch, những cuộn sợi tổng hợp lăn hàng cây số trên cánh đồng chạy ngút tầm mắt. Lúa mì, cỏ được máy móc tự động cột thành từng buộc, đều chằn chặn. Đặc thù sản phẩm chính là nguyên do khiến Rồng Á Châu hầu như bỏ trống sân nhà. Chính sách hạn điền chưa cho phép người nông dân Việt Nam có cơ hội tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất lớn. Vài ba năm gần đây, một số sản phẩm của Rồng Á Châu bắt đầu xuất hiện ở một số khu nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi (TP.HCM), Bình Dương. Tuy nhiên, quy mô thị trường nội địa không đáng kể. Xuất khẩu quyết định sự sống còn.

Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế mà Mỹ xuất khẩu ròng. Chen chân vào chuỗi cung ứng chặt chẽ ở thị trường này nghĩa là chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ khắp thế giới. Thất bại, chị Hòa thừa hiểu mình không còn cơ hội làm lại. Thành công ở Mỹ, sản phẩm của Rồng Á Châu nghiễm nhiên được bảo chứng về chất lượng.

Xác định khách hàng mục tiêu là tiền đề để lựa chọn công nghệ. Dày dạn kinh nghiệm quản lý nhưng kỹ thuật là thách thức không nhỏ đối với người phụ nữ mảnh mai này. Trên thế giới, sợi tổng hợp vẫn được xem là ngành sản xuất dành cho phái mạnh. Xuống nhà máy, Việt Hòa như lột xác, sẵn sàng quăng guốc, xăn áo chỉnh từng con bù loong. Theo sát hành trình của Rồng Á Châu, chị Hoàng Thị Xuân Nga, tổng giám đốc công ty An Thành không giấu diếm sự thán phục khi nhắc đến người bạn thân của mình: “Đến giờ, chỉ cần nghe tiếng máy, Việt Hoà có thể biết được dây chuyền vận hành ổn định hay không”.

Theo Dau Rong A Chau

“Việt Hòa là doanh nhân có tấm lòng xã hội. Bạn nhiệt tình bỏ của, bỏ công để tham gia nhiều hoạt động xã hội. Làm xuất khẩu nên Hòa chẳng vụ lợi gì ở đó hết. Làm vì muốn được chia sớt, vì tìm thấy niềm vui chính đáng” - Trần Hoàng Bảo (tổng giám đốc công ty Tư vấn và phát triển nguồn nhân lực BCC)

Tháng 11.2006, hàng mẫu theo đường hàng không qua Mỹ để kiểm định trên thực địa. Phản hồi. Điều chỉnh. Thắc thỏm. Vòng lặp kéo dài một tháng. Giải quyết xong bài toán chất lượng cũng là lúc hung tin ập đến. Dường như cảm nhận được mối đe dọa từ bên kia Thái Bình Dương, hàng châu Âu ồ ạt đổ vào, đồng loạt giảm giá bán đến mức những nhà phân phối lung lay, không chắc sẽ đảm bảo đơn hàng như thỏa thuận. Dẫu đối tác trấn an sẽ “cố gắng lấy (hàng) phần nào” nhưng chị Hòa vẫn không khỏi “lạnh lưng”. Họa vô đơn chí, hạt nhựa tăng giá đột biến.

Đầu vào, Rồng Á Châu nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí hợp lý, đặc biệt chú trọng yếu tố tồn kho, đảm bảo hàng vừa ra cảng thì nguyên liệu về đến nhà máy. Đầu ra, đàm phán với đối tác chuyển khoản ngay khi hàng xuống tàu. “Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại đặt niềm tin ở mình, dù chưa từng gặp nhau trực tiếp. Chúng tôi chỉ trò chuyện trực tuyến hai lần, còn lại là làm việc qua thư điện tử” - chị Hòa nói, sau khi thừa nhận làm việc với nước ngoài sướng nhất là trung thực.

Nhìn sang các đối thủ cạnh tranh. Dù hết khấu hao máy móc thiết bị nhưng các nhà sản xuất châu Âu chịu áp lực về thuế môi trường, đặc biệt là giá lao động. Bù qua sớt lại, chi phí của họ vẫn cao hơn Rồng Á Châu khoảng 10%. “Chúng tôi bán giá vốn”, chị Hòa cho biết. Sau ba tháng cầm cự, cuộc chiến giá chấm dứt.

Cầu dây sợi chủ yếu bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 5 năm kế tiếp. Máy vận hành 24/24. Còn sản xuất trước khi có đơn hàng thì quá rủi ro. Đâu là lối thoát? Chị Hòa mỉm cười: “Mấy tháng sau khi dây sợi của Rồng Á Châu tới Mỹ, một số nhà phân phối nói với chúng tôi nhu cầu về dây thừng”. Đây là dòng sản phẩm mà chị Hòa vô cùng quen thuộc khi còn làm việc cho công ty cũ.

Đúng như dự liệu, việc sản phẩm được chấp nhận ở Mỹ trở thành tấm giấy thông hành để Rồng Á Châu chinh phục các thị trường mới. Tốc độ tăng trưởng dao động trong khoảng 25-28%/năm. Kết thúc năm 2014, công ty đạt 12 triệu USD doanh thu, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng đáng kể (65%), kế đến là Úc, Canada, Brazil, Mexico...

Liên doanh 50-50

Tìm kiếm suất sinh lợi cao hơn là động cơ khiến dòng vốn dịch chuyển khỏi biên giới quốc gia. Sau gần sáu thập niên sản xuất kinh doanh dây sợi, Tapex quyết định đóng cửa nhà máy tại Úc, đề nghị hợp tác với chị Hòa.

Đối tác góp 50% trong tổng vốn đầu tư 9,8 triệu USD. Tỷ lệ vốn góp cân bằng triệt tiêu quyền phủ quyết trong trường hợp đôi bên không tìm được sự đồng thuận. Chị Hòa lý giải: “Sự tin cậy và mục tiêu win - win (đôi bên cùng thắng) là cơ sở ban đầu để chúng tôi gặp nhau. Đương nhiên, hợp đồng có những điều khoản phân công phân nhiệm rạch ròi. Tapex chịu trách nhiệm xuất khẩu, tôi phụ trách sản xuất, không dẫm chân lên nhau”. Trước mắt, đối tác tập trung vào Úc và New Zealand (doanh số năm 2014 đạt 8 triệu USD). Châu Đại Dương là thị trường mà Tapex có bề dày kinh nghiệm. Tapex cam kết không can dự vào Mỹ, thị trường chủ lực của Rồng Á Châu. Cuối năm rồi, Rồng Á Châu đưa vào vận hành dàn máy Spalinger nhập khẩu từ Áo, trị giá 1 triệu USD, nâng công suất thiết kế lên 500 tấn/tháng. Hiệp, trưởng phòng bảo trì của Rồng Á Châu, cho hay: “Đối tác không giấu nghề. Kỹ sư của họ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”.

Những năm gần đây, Việt Nam dồn dập xúc tiến các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý từ giới truyền thông là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, để hưởng thuế suất 0%, các thành viên TPP cần đảm bảo “nguyên tắc xuất xứ”. Cụ thể, các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ “nội khối”. Hiện, Rồng Á Châu chủ yếu nhập khẩu hạt nhựa nguyên sinh từ Ảrập Xêút, Thái Lan, Hàn Quốc, chưa tham gia TPP. Việc thay đổi nhà cung cấp không quá khó bởi trong liên minh TPP cũng có những thành viên ngay trong khu vực, rất mạnh về hoá dầu như Singapore, Malaysia. Thêm nữa, việc dầu lửa liên tục sụt giá trong thời gian gần đây kéo giá chế phẩm hạt nhựa nguyên sinh giảm theo. Nguyên liệu đầu vào giảm giá là cơ hội để hạ giá đầu ra, khuyến khích sức mua. Trong một diễn biến mới nhất, việc ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ tỷ giá thêm 1% ngay tuần đầu tiên của năm mới là tin vui với các nhà xuất khẩu. Tức là với mỗi đô la xuất khẩu, doanh thu của Rồng Á Châu tăng thêm 100 đồng so với năm 2014.

Triển vọng sáng sủa hơn là hiệp định thương mại song phương Việt Nam - EU, đã qua tám vòng đàm phán. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, lợi ích của đôi bên rất rõ và đồng đều ở nhiều điểm nên Việt Nam “không đến nỗi vất vả”. Nếu ký kết với EU, thuế suất dây sợi vào 27 quốc gia thành viên sẽ về 0 so với mức 6,4% hiện nay. Mới đây, EU ra thông báo chấm dứt điều tra trợ cấp với ngành sợi. Những lợi thế này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho Rồng Á Châu tìm được chỗ đứng tại châu Âu. “Trước mắt, chúng tôi đặt mục tiêu giành thị phần” - chị nói.

Tin Liên Quan

Dây trồng cà chua trong ngành nông nghiệp hiện nay
Dây trồng cà chua trong ngành nông nghiệp hiện nay

Oct 14, 2020

Dây trồng cà chua là một loại sợi se được sử dụng rộng rãi trong nền nông nghiệp của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Với những ưu điểm vượt trội từ chất liệu nhựa nguyên sinh, dây trồng cà chua đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của cây cà chua và nhiều loại cây khác

Dây trồng thanh long có vai trò và ý nghĩa như thế nào
Dây trồng thanh long có vai trò và ý nghĩa như thế nào

Oct 14, 2020

Một trong những yếu tố góp phần cho sự phát triển của cây thanh long tại nhiều đại phương đó chính là dây trồng thanh long. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ về loại dây này, vì cây thanh long thì thường trồng theo trụ vậy tại sao lại cần dây?. Hãy cùng tìm hiểu qua về những tác dụng của dây trồng thanh long như thế nào trong bài viết ngày hôm nay

* Đam Mê, Tự Tin Và Chiến Thắng
* Đam Mê, Tự Tin Và Chiến Thắng

Oct 14, 2020

“Tôi không phải là doanh nhân ham làm giàu, tôi chỉ là người đam mê cái mình thích và có khả năng hoàn thành tốt công việc đó. Trong công việc, tôi không thích ôm đồm và phải trả giá cho sự mạo hiểm, tôi chỉ làm cái gì mà mình hiểu rõ nó, yêu nó và tự tin chiến thắng nó”.